Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

Tham luận lịch sử trường 6

     
 
          Hồi còn mài đũng quần ở trường Hoàng Diệu thì tôi, và có lẽ còn nhiều bạn nữa chỉ biết hằng ngày cắp sách đến trường để nghe thầy/cô giảng bài và cùng các bạn đồng song chơi đùa ! không hề chú ý đến “năm sinh” của trường mình học.
          Bây giờ, già rồi, đôi khi ngồi nghĩ lại trong lòng tự hỏi “Trường Hoàng Diệu của mình sinh vào năm nào ta ?”. Đọc trên mạng internet thì thấy có mấy giả thiết sau đây :
1- Trường Hoàng Diệu thành lập năm 1949 nên được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo năm 1999 “phong tặng là trường có 50 năm thành lập” theo đề nghị của Ban Giám Hiệu của nhà trường khi đó.
2- Trường Hoàng Diệu thành lập năm 1957, lúc đó còn có tên là “Trường Trung Học Công Lập Khánh Hưng”, được coi là tiền thân của trường Hoàng Diệu Ba Xuyên sau nầy !
3- Trường Hoàng Diệu thành lập năm 1961, theo như một nghị định công nhận tên trường của Bộ Giáo Dục chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành.
 
***
Còn nhớ ngày xưa, lúc “trà dư, tửu hậu” và nhất là vào năm Mậu Thân 1968 (không thể ra khỏi nhà được vì biến cố năm Mậu Thân), tôi và ba tôi khi ngồi bên nhau, ba tôi thường hay nhắc về thời thơ ấu của “ông lão” :
- Ba tôi nói rằng hồi xưa “ổng” học lớp năm, tư, ba, nhì, nhất (lớp một, hai, ba, bốn, năm ngày nay) tại trường tiểu học xây dựng trên công viên Bạch Đằng (trước cửa Tòa Hành Chánh tỉnh Ba Xuyên trước năm 1975). Đến năm đệ thất/lớp 6 (đến đệ tứ/lớp 9) thì ba tôi vào học tại Collège Cần Thơ (Phan Thanh Giãn, Cần Thơ sau nầy).
 
Theo lời ba tôi nói thì hồi đó (1950), Pháp “ban cho” Việt Nam độc lập “trong Liên Hiệp Pháp”, để cho Bảo Đại làm Quốc Trưởng. Công việc điều hành coi như không thay đổi (con người và chính sách). Phần giáo dục thì :
- Bậc tiểu học, vẫn chia ra 2 cấp:
a- Cấp sơ học gồm lớp “đồng ấu”(cours enfantin/lớp vở lòng/lớp năm hồi đó, lớp 1 ngày nay), lớp dự bị (cours préparatoire/lớp tư hồi đó, lớp 2 ngày nay) và lớp “sơ đẳng (cours élémentaire/lớp ba hồi đó, lớp 3 ngày nay)
b- Cấp tiểu học gồm lớp nhì một năm (cours moyen première anneé), lớp nhì năm thứ hai (cours élémentaire deusième année, lớp 4 ngày nay) và “lớp nhứt”(cours supérieur, lớp 5 ngày nay).
- Chương trình học (sơ cấp) thì có phần thay đổi ở bậc tiểu học : nội dung chương trình học hầu như gói gọn vào quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”.
“Quốc Văn Giáo Khoa Thư” là “sách dạy học trò bằng chữ nưóc Việt”.Bộ sách do nhà cầm quyền Pháp, cụ thể là do Nha Học Chánh Đông Pháp (Đông Dương thuộc Pháp) “làm chủ đầu tư”, giao cho các quí ông Trần Trọng Kim, Nguyễn văn Ngọc,  Đặng Đình Phúc và Đổ Thận biên soạn.
Bộ sách gòm 3 quyển :
- Quyển dành cho lớp “đồng ấu”, dạy về luân lý qua các bài tập đọc, tập viết.
- Quyển dành cho lớp “dự bị”
- Quyển dành cho lớp “sơ đẳng”
Sử ký thì không còn học Sử của “mẫu quốc” (Pháp) nữa ! mà thay vào đó là Sử Việt, nhưng không đá động gì đến những năm đô hộ của Thực Dân Pháp !
 
Học xong lớp ba, phải thi tuyển để vào lớp nhì. . .
Cuối lớp nhứt, sẽ thi lấy bằng “Sơ Tiều (bằng) tiếng Pháp”
Xong tiểu học, tiếp tục lên tỉnh học lớp đệ thất “tư thục”(vì bấy giờ tỉnh  S.T chưa mở trưòng trung học công lập). Học tư thục phải đóng tiền.
 
Thời đó, toàn miền tây chỉ có hai trường trung học là Collège Cần Thơ và Collège Mỹ Tho (Nguyễn đình Chiểu, Mỹ Tho/Định Tường/Tiền Giang sau nầy), học sinh chỉ học, giao tiếp với thầy/cô “toàn là tiếng Tây”, sử ký thì phải học sử của “mẫu quốc” (nước Pháp) ! học sinh muốn vào học 2 trường nầy phải là “con nhà giàu”, còn con em nhà “thường dân” thì phải đậu từ hạng nhất đến hạng ba mới có học bổng theo học, bằng không thì học hết Sơ Học (lớp 3 trường làng) hoặc tiểu học thì phải thôi học, kiếm việc làm (đa số thì “trình độ” cở đó dư sức ra làm “thầy thông, thầy ký” trong các công sở của tây rồi) vì chi phí ăn ở rất cao !
Trong những năm ba tôi học ở Collège Cần Thơ thì trường tiểu học mà ba tôi học ngày xưa bị cháy, sau nhiều lần thay đổi địa điễm thì “tây” chọn khu đất trường Hoàng Diệu hiện giờ để cho trường tiểu học của tỉnh “định cư”.
 
Nhưng rồi thời cuộc có nhiều biến đổi ! khi trường tiểu học đã xây dựng được một dãy khang trang thì “tây” về nước ! chính phủ Ngô Đình Diệm lên chấp chính (1954), tỉnh Ba Xuyên được thành lập, một trường trung học được cấp tốc thành lập để “thể hiện bản sắc Dân Tộc, Dân Chủ, Độc Lập” của chế độ mới !
Để cho nhanh chóng thực hiện tiêu chí nầy, các vị lãnh đạo của tỉnh đã lấy cơ sở vật chất của trường tiểu học của “tây” làm trụ sở của trường trung học công lập đầu tiên của Tỉnh Ba Xuyên non trẻ ! Đồng thời thành lập 2 trường tiểu của tỉnh là Trường Nam Tỉnh Lỵ (địa điểm là trường Lê Hồng Phong bây giờ) và trường Nữ Tỉnh Lỵ (đả phá bỏ để thành công viên cạnh khách sạn Khánh Hưng bây giờ).
Tên của Trường Trung Học đầu tiên của tinh Ba Xuyên được chọn là Trường Trung Học Công Lập Khánh Hưng, lấy tên xã Khánh Hưng là nơi trường tọa lạc làm tên trường. Vị Hiệu Trưởng đầu tiên là thầy Mai Văn Kiêm, đang là Thanh Tra Sở Tiểu Học Ba Xuyên, được điều động về làm Hiệu Trưởng trong khi chờ đợi quyết định tìm người có học vị phù hợp về đảm nhận chức vụ nầy ! (và lịch sử “bổ nhiệm” lại được lập lại vào năm 1970 khi tỉnh thành lập trường Sư Phạm Sóc Trăng, đào tạo Giáo Học Bổ Túc, dạy Tiểu Học cho 3 tỉnh Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên/Cà Mau. Thầy Trần Văn Hiển đương nhiệm Trưởng Ty Tiểu Học Ba Xuyên kiêm nhiệm luôn chức vụ Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm Sóc Trăng cho đến năm 1975, dù Bộ Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên có song song đó đưa về hai giáo sư “cơ hửu” cho trường Sư Phạm là thầy Phạm Xuân Nhu, người gốc Nha Trang và cô Lữ Thị Hiếm, người gốc Bạc Liêu, đây là 2 giáo sư Đệ Nhị Cấp/cấp 3 ngày nay).
 
Collège Cần Thơ và Collège Mỹ Tho được thừa nhận là “tiền thân” của trường Trung Học Công Lập Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu (tuy là trường của “tây”) vì toàn bộ “cơ ngơi” và “nhân sự” được chuyển giao toàn bộ cho trường mới, chỉ thay đổi người làm Hiệu Trưởng, Giám học, và chương trình giảng dạy mà thôi (chức Tổng Giám Thị, Giám Thị và nhân viên văn phòng thì “vũ như cẩn”) !
 
Qua hồi ức trên, theo cá nhân tôi thì Trường Hoàng Diệu Ba Xuyên được thành lập năm 1957, bởi vì :
1- Trước năm 1954 thì đây là thuộc địa của Pháp. Chủ quyền quốc gia Việt Nam chỉ có từ năm 1954 trở về sau, từ đây mới có Bộ Quốc Gia Giáo Dục riêng của Miền Nam Việt Nam.
2- Thông lệ thừa kế chỉ có thể tính là “tiền thân của trường Hoàng Diệu là trường Trung Học Công Lập Khánh Hưng.
Nếu như ai đó coi trường tiểu học của “tây” ngày xưa nằm trên khuôn viên trường Hoàng Diệu là tiền thân của trường Công Lập Ba Xuyên thì:
a) Trường Lê Hồng Phong (Sóc Trăng) hiện nay tiền thân nó là trường nào ? Trường Nam Tỉnh Lỵ ? Trường Nữ Tỉnh Lỵ hay trường tiểu học của “tây” được dời từ đường Mạc Đỉnh Chi sang, khi mà hai trường nầy đã bị “xóa tên trong sổ bộ đời” ?
b) Trường Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) có tiền thân từ trường Nam Tỉnh Lỵ hay Trường Nông Lâm Súc Ba Xuyên khi mà trường được thành lập nơi trường Nam Tỉnh Lỵ và hiện giờ thì tọa lạc trên nền trường Nông Lâm Súc ?
3- Tên trường Trung Học Công Lập Hoàng Diệu Ba Xuyên được chính thức ban hành vào năm 1961, nhưng, theo cá nhân tôi, thì đó chỉ là một sự đổi tên, một “hành vi cải chính hộ tịch” mà thôi ! Vì toàn bộ cơ ngơi vật chất, con người, từ ban lãnh đạo như Hiệu Trưởng, Giám Học, Tổng Giám Thị . . . ., cho đến học sinh vẫn “u như kỹ” !
Từ đó, theo cá nhân tôi thì trường Trung Học Công Lập Khánh Hưng coi như là tiền thân của trường Trung Học Hoàng Diệu Ba Xuyên là hợp lý, chấp nhận được !
 
“Từ đó suy ra” trường mình thành lập năm 1957 (như cảm nhận của “tui”) !
 
Còn các anh chị cựu học sinh Hoàng Diệu Ba Xuyên và các bậc “cao nhân” nghĩ gì về “năm sinh” của trường ? Mong được sự góp ý của quý vị.
 
Mong lắm thay ! Mong lắm thay bạn mình ơi !
(03/11/2016, Lý Văn Hào HD 64 – 71)
 
Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 6 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật