Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.




Kính tặng Quý Thầy Cô trường Hoàng Diệu ngày Nhà Giáo VN- Riêng kính tặng Thầy Ngô Kim Thạnh, Thầy Đào Ngọc Ấn và Thầy Quách Xiêm.

 

          Quê nội tôi ở miền Trung nước Việt. Những buổi chiến chinh chưa lui khỏi cuộc đời, dành cho bao người con phương xa nơi nương thân lại là rẻo đất của miền Tây Nam Bộ bằng phẳng với những xe trâu, và hàng hàng rơm rạ phủ kín đường thôn trong tiếng sáo ngày mùa. Những đời lưu dân không dám nhận nơi đâu là cố lý, vậy mà thoắt cái bốn mươi năm đã in đậm tâm hồn... Và nơi đây đã bàng bạc khoảnh trời cát trắng thùy dương trong nước và gạo cơm Nam Bộ, cùng nuôi dưỡng và nuôi chúng tôi lớn lên…chật vật mà kỳ thú, gieo neo mà đầy những mến thương.

          Sóc Trăng quê tôi không có cây đa và bến nước, mái đình và hàng cau nghiêng bóng của nghìn năm thơ ca. Quê tôi có dòng sông Quay bốn mùa vàng óng phù sa và lửng lơ những đám lục bình như phiêu linh vĩnh viễn, không biết về đâu… Quê hương Sóc Trăng luôn như một lời thì thầm mong bước người phương xa một lúc quay về. Tôi yêu quê tôi trong từng tiếng gánh gồng kĩu kịt sớm mai Bắc Tà Ky Mã Tộc, từ tiếng đe lò rèn ở khu chùa Cao Đài, từ tiếng chuông ngân nga bên này làng Chung Đôn xanh bóng tre, cho đến giọng giòn tan người em gái Khmer mỗi mùa lúa chín Oóc ôm bóc …

Đặc biệt không lẫn lộn trong ký ức lúc mờ lúc tỏ của một trung niên, ngôi trường cũ thường hiện về trong những giấc mơ của người ngỡ mình luôn ở tuổi cắp sách. Cả những khi mường tượng về một ngôi trường nào đó, ví như khi đọc về một ngôi trường, không hẳn là mơ, thì lúc nào hình ảnh của trường Nam Tỉnh Lỵ và Trung học Hoàng Diệu vẫn luôn hiện ra trong tâm trí tôi. Hẳn nhiên ngôi trường ấy chính là chuẩn mực trong trí nhớ- trong lành nhất, tinh khiết nhất, êm ái nhất…  Cũng vậy khi nghe nhắc đến một bến tàu, một dòng sông, thì hình ảnh hiện ra trong trí óc tôi thường là dòng sông Cầu Quay với bến Nguyễn Văn Kiểng tấp nập xe cộ và ghe xuồng. Khi nhắc đến một lần tiễn biệt kẻ ở người đi, tôi tự khắc nhớ lại hình ảnh của bến xe Gòi- Lịch Hội Thượng….

Những dãy hành lang Hoàng Diệu vắng lặng của những năm 1980 đến trường sớm…vẫn mãi vang vang trong tôi tiếng guốc những ngày thu nhập học. Vẫn còn đó trong tôi những tà áo trắng chấp chới bay trong ánh nắng sau cơn mưa phùn mùa hè thị xã. Trời nắng mà vẫn mưa mong manh những tơ trời làm vàng óng lên áo trắng học trò đầy hoa mộng. Không hiểu ngày xưa Thanh Tịnh có trong tâm tư những tà áo ấy hay không mà ông mô tả ngày đầu đi học êm đềm quá… Hàng năm cứ vào độ cuối thu..lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…    

Có một thời tiếng trống được thay cho tiếng chuông leng keng khi hết giờ; cái trống da trâu to phải đến hai ba người ôm uy nghi đặt trước cửa văn phòng cũng gợi cho chúng tôi nhiều kỷ niệm. Cái trống ấy có khi đặt bên kia hành lang gần mấy dãy khuynh diệp và bạch đàn và đã có lần bọn tôi đá trái banh đánh thùng từ bên sân tả của dãy văn phòng và phòng giáo viên.

Dạo ấy những cây còng cổ thụ xanh tươi cứ rơi lịch bịch những trái còng cong queo trong mùa gió lớn. Gió từ sông cầu Quay thổi sang Hoàng Diệu, gió từ bên dưới miệt ruộng vườn nhà ông Ba Khâm thổi đến, lúc thì phần phật rặng bạch đàn lúc thì rì rào như mơn man đám lục bình bên hồ mênh mông sau lưng Miễu Bà Hỏa, gió mang những tiếng đàn réo rắt đến từ khu Trường Hưng, gió mang theo những âm thanh rộn ràng từ ngoài chợ với cái mùi trứng muối và xa bấu đặc trưng Sóc Trăng. Và gió mang vọng tiếng ngân nga chuông chùa Tịnh Độ…

Những cánh chim đã bay đi bốn phương trời biết có còn ai nhớ về trường cũ cùng những sớm chiều mưa, nắng, gió với âm thanh của muôn vàn kỷ niệm. Uy nghi mà lóng lánh sắc màu của mùa xuân tuổi trẻ……

Tôi xa trường đã hơn hai mươi năm. Những lần trở về, tên trai tơ ngày xưa luôn cố tìm cách nào đó để khi thì xe ôm, khi thì xe lôi, khi thì tản bộ qua cổng trường ngày xưa để tưởng rằng trong những lớp học thâm nghiêm kia vẫn còn đó bóng dáng uy nghiêm của Thầy Cô tôi cùng bao nhiêu người bạn cũ. Cũng để tưởng rằng tâm hồn mình được thêm một lần tắm lấy nắng mai hồng, còn bên kia những cánh hoa xuân là những tà áo một thời vấn vương cánh bướm…

Chính tại ngôi trường này tôi đã nhận được những lời dậy bảo, trách mắng và những khích lệ ân cần của những người Thầy ân sâu nghĩa nặng. Những lúc tưởng như quỵ ngã trong đời, may thay, tôi còn kịp nhớ về những lời yêu thương đó để vịn vào mà đứng dậy... Những lần về thăm trường cũ, chúng tôi có may mắn gặp lại những Thầy Cô: có người còn ở đó, cũng có người đã chuyển đi nơi khác. Song ký ức chúng tôi vẫn trào dâng một niềm thành kính và tin yêu lạ thường! Như thể Thầy, Cô và lũ chúng tôi vẫn còn đó đọc sách, ngâm thơ, mày mò những dòng đại số, những bài lý hóa sinh, rồi lật lại những trang sử địa nước nhà....

Tôi xin được một lần được sờ lấy bàn tay gầy gò của Thầy tôi, được cung kính vòng tay và cúi đầu chào gương mặt khắc khổ nhưng sáng ngời hạnh phúc của Cô tôi. Cho chúng em được hôn những bàn tay cũng lấm tấm phấn, rạng ngời như mái tóc Ân Sư. Có phải chính tháng năm đã kết nên màu mái tóc cũng là màu phấn ân tình-kiên trì nhẫn nại và rất đỗi bao dung? Màu trắng thương mến ấy sẽ mãi trong tôi, ấm lành như hoa như nắng khung trời thị xã mấy độ xuân về…. Hoàng Diệu của tôi ơi...

 

Lê Vĩnh Trương (CHS 82-85)


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 3 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật