Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.





Đất Sóc Trăng quê mùa nước mặn
Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi

Sóc Trăng vùng đất ngày xưa tuy đồng chua nước mặn, nhưng có những ưu thế trời cho, dân lành lúa tốt, ruộng vườn mênh mông.
Sóc Trăng nước mặn đồng bằng
Dân lành lúa tốt, của hằng trời cho
Kế Sách, Ba Rinh, Xa Mo
Lắm vườn nhiều ruộng, không lo thất mùa

Ba Thắc địa danh đại diện cho Sóc Trăng xưa, vùng đất giồng gò cao, nhờ nước mưa, mỗi năm chỉ làm lúa một vụ mùa. Gạo Ba Thắc nổi tiếng thơm ngon.
Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon
Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi

Ngày xưa hương vị của những món ăn Sóc Trăng vẫn lưu truyền trong dân gian qua những câu ca dao, khi ai đó một chuyến xuôi về lục tỉnh, món ăn rất dân dã mà mãi để lại trong lòng người nhiều ấn tượng không phai.
Ai về thẳng tới Năm Căn
Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu
Mắm nêm, chuối chát, khế, rau
Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên

Và người ta cũng không quên nhắm thêm một ly rượu mang một hương vị của một xứ sở từ con người Sóc Trăng hiếu khách.
Ngó lên trời mưa sa lác đác
Ngó xuống đất hạt cát nằm nghiêng
Rượu Ba Xuyên rót đãi người hiền
Trước là đãi bạn, sau giải phiền cho anh.

        Quê hương Sóc Trăng, vùng đất hiền hòa, trải qua bao nỗi thăng trầm của lịch sử đã để lại trong lòng mọi người những dấu ấn không phai. Qua những câu ca dao, chúng ta càng thấy thấm đậm chất dân dã mộc mạc một thời xa xưa. Ngày nay tình hình kinh tế xã hội đã phát triển một đoạn đường dài, vùng đất Sóc Trăng đã thay đổi rất nhiều, từ cơ sở hạ tầng, nét văn hóa, nếp sinh hoạt. Xuyên suốt theo chiều dài lịch sử, nhiều câu chuyện, nhiều kỳ tích về con người, về vùng đất nầy được nói đến, từ thành thị đến nông thôn đã thay đổi hẳn diện mạo, nhưng những nét đặc trưng của Sóc Trăng thì không bao giờ thay đổi. Ai đó xa quê, ai đó xuôi về miền tây, nên có một chuyến ghé thăm Sóc Trăng.
     Đến với tỉnh Sóc Trăng, điểm đầu tiên là thành phố Sóc Trăng, chúng ta vào bằng ba cửa ngỏ chính, theo tuyến quốc lộ 1A từ Cần Thơ – Sóc Trăng đi qua cổng Trà Men vào trung tâm thành phố, theo tuyến quốc lộ 1A từ Bạc Liêu – Sóc Trăng đi qua cổng Trà Tiêm, theo tuyến Nam Sông Hậu vào trung tâm thành phố theo tuyến quốc lộ 60. 
        Thành phố Sóc Trăng là tỉnh lỵ và là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Sóc Trăng. Dân số trên 174.000 người, trong đó có trên 60% người kinh, người Khmer chiếm 23,4% và người Hoa chiếm 16,4% có nét đặc trưng rất đặc sắc xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, sự hòa quyện giao thoa văn hóa tuyệt vời của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Các nơi tham quan gồm:
     Chùa Dơi ở khóm 9 phường 3, có khuôn viên rộng trên 7ha, được xây dựng vào thế kỷ XVI. Mỗi ngày tại đây có khoảng 200 - 300 lượt khách đến hành hương, tham quan. Đến đây các bạn có thể tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, ngoạn cảnh trong không gian thanh tịnh, ngắm nhìn những kiến trúc, hoa văn đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ, đặc biệt là tận mắt nhìn đàn dơi tự nhiên hàng ngàn con ngụ cư trong khuôn viên chùa.
       Chùa Khléang ở phường 6 được xây dựng vào thế kỷ XV trên diện tích rộng gần 4ha. Chùa có giá trị về mặt kiến trúc, được trang trí bởi những đường nét hoa văn hài hòa, chạm khắc tinh vi, thể hiện sự giao thoa về nghệ thuật độc đáo của 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Cửa vào chính điện được mạ son thếp vàng, bộ kinh Phật được viết trên lá thốt nốt… đã làm nổi bật ngôi chùa cổ được công nhận di tích cấp quốc gia.
       Chùa Đất Sét tại phường 5 được nhiều người tìm đến bởi những tượng được tạo từ đất sét như tháp Đa Bảo 13 tầng, cao 4,5m, tháp Bảo Tòa cao 2m, Lục Long đăng với sáu con rồng quay đầu ra chung quanh, đuôi chụm vào nhau, phía dưới là bông sen được phủ ngoài bằng nước sơn, kim nhũ. Bên cạnh những vật phẩm được làm bằng đất sét, trong chùa còn trưng bày 8 cây đèn cầy rất to, trong đó có 6 cây với trọng lượng 200kg/cây.
        Thành phố Sóc Trăng còn có nhiều di tích thắng cảnh nổi tiếng như chùa Trà Tiêm ở phường 10, chùa Ông Bổn ở phường 1, Chùa La Hán ở Phường 8, Chùa Phước Nghiêm ở Phường 5 đặc trưng Phật giáo người Hoa, Nhà truyền thống văn hóa Khmer trên đường Nguyễn Chí Thanh, khu văn hóa hồ nước ngọt ở phường 6. Đặc biệt, thành phố Sóc Trăng còn là nơi tổ chức Lễ hội Óoc om boc – Hội đua ghe ngo truyền thống vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, là 1 trong 15 lễ hội lớn cả nước, thu hút vài chục ghe ngo các tỉnh đồng bằng Nam Bộ cùng hàng trăm ngàn du khách trong nước và quốc tế về Sóc Trăng trẩy hội. Những lời thơ như mời gọi, như tha thiết
Về Sóc Trăng nghe em
Ta đưa nhau đi dưới phố hoa đèn
Lễ hội mùa nầy, người đông như nước lũ.
Câu hỏi, câu chào, ôi sao quá thân quen

        Đến với TP. Sóc Trăng, người ta còn được thưởng thức những món ngon đặc sản nổi tiếng không đâu bằng như : bún nước lèo, bún gỏi dà, lẩu mắm (đồng quê – hải sản), đặc biệt hai loại đặc sản bánh pía và lạp xưởng không thể thiếu trong giỏ quà tặng người thân.
      Từ thành phố Sóc Trăng đi các huyện theo các tuyến hương lộ tỏa ra như hình sao, mỗi nơi có những nét đặc trưng riêng:
   Đến với Vĩnh Châu ấn tượng nhất là cái nắng gió vùng biển và nét đẹp những cô gái Khmer da nâu tóc vàng, những chàng trai tóc quăn da đen, ai đó đã viết lên những câu thơ:
“Về Vĩnh Châu nên nước da cũng đen”
Bởi nắng quá và mèng ơi gió quá
Trong tao tác nghe có điều rất lạ
Như lâu rồi sông nước đã thân quen

Hay
       Vĩnh Châu gió muối nắng hè
Tóc em một thuở vàng hoe bụi đường
     Những người nơi ấy thân thương
Con tôm hạt lúa vấn vương cả đời.

       Đúng vậy lời thơ đã nói lên một nét cơ bản của Vĩnh Châu, vì đây là vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh. Xưa kia, người ta quen gọi Vĩnh Châu là quận Trà Nho, nay gọi là thị xã Vĩnh Châu, nơi đây cộng đồng lâu đời người Việt, người Khmer, người Hoa vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng, thông thường ở đây người ta nói được cả 3 thứ tiếng. Vĩnh Châu có bờ biển dài hơn 43 km, nên ngành thủy sản rất phát triển, ngoài hải sản đánh bắt được ngoài biển, nghề nuôi tôm sú đã phát triển nhiều năm nay. Đặc biệt, hành tím là đặc sản đặc trưng vùng này, tiêu thụ cả vùng và xuất cảng sang các nước lân cận. Đến Vĩnh Châu, ra về ai cũng không quên mua vài kí củ hành tím và củ cải muối về làm quà cho bà con.    
Đến với Ngã Năm, nghe qua cái tên gọi dân gian đã lâu đời chúng ta cũng đoán được địa danh của vùng nầy.  Huyện lỵ nằm tại thị trấn Ngã Năm, là giao điểm của năm nhánh sông. Do đó nói đến Ngã Năm không ai không biết đến chợ nổi Ngã Năm, vườn cò Tân Long là những điểm du lịch có món cháo cò trụng với năn rất hấp dẫn. Ngoài ra, Ngã Năm cũng rất nổi tiếng với mắm cá lóc, mắm cá rô không xương và rượu đế ST được nhiều người trong, ngoài tỉnh ưa thích. Có lời thơ chan chứa tình quê đôi với Ngã Năm
                           Mắm chưng hột vịt thịt bằm
        Thương sao hương vị Ngã Năm quê mình
                      Dòng sông và những hành trình
        Chia ra năm ngã nặng tình quê hương

      Nền kinh tế chủ yếu là trồng lúa, cơ sở công nghiệp lớn nhất là khu nhà máy xay xát hiện đại do Vương Quốc Đan Mạch tài trợ và tới đây Tổng công ty lương thực miền Nam sẽ hình thành một cụm nhà máy xay xát còn bề thế hơn. Đến Ngã Năm đừng quên mua vài kí mắm lóc, mắm cá rô về làm quà cho bà con.
    Đến với Kế Sách là đến với một huyện có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có nhiều cù lao, cồn bãi được phù sa sông Hậu bồi đắp nên có lợi thế để phát triển vườn cây ăn trái với nhiều loại như: Cam sành Ba Trinh, mít nghệ An Mỹ, bưởi da xanh Kế An, bưởi năm roi Kế Thành, chôm chôm Phong Nẫm, măng cụt An Lạc Tây...Về Kế Sách chúng ta luôn gặp những người dân hiền hòa hiếu khách, đặc biệt những chàng trai chân chất, những cô gái duyên dáng, miệng luôn cười, giọng nói ngọt lịm, tạo cho người đến một lần phải lưu luyến. Bởi vậy khi nói về Kế Sách người ta đúc kết bằng hai câu thơ:
Kế Sách là xứ trái cây
Con gái duyên dáng, con trai chân tình.

    Đến với Châu Thành là đến với một huyện cửa ngỏ vào TP. Sóc Trăng, nơi có khu công nghiệp lớn nhất tỉnh, khu công nghiệp An Nghiệp có sức thu hút trên 30 doanh nghiệp đã và đang đi vào hoạt động. Địa bàn huyện chủ yếu là sản xuất về nông nghiệp. Đặc biệt tại đây là nơi tập trung sản xuất hai món đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng, đó là bánh pía và lạp xưởng Vũng Thơm. Theo tuyến quốc lộ 1A vào TP Sóc Trăng chúng ta gặp những hãng lớn như Tân Huê Viên, Quảng Trân, Mỹ Trân trưng bày chủ yếu hai sản phẩm độc đáo nầy. Dĩ nhiên đến Sóc Trăng dù bận rộn thế nào mà không mua vài kí lạp xưởng, dăm phong bánh pía là điều vô cùng thiếu sót.  
 Đến với Mỹ Xuyên đến một huyện chỉ cách TP. Sóc Trăng chừng 5km theo hướng biển Đông. Chợ Mỹ Xuyên khang trang ở trung tâm thị trấn, vòng ra sau chợ đi qua cầu Chà Và bắc trên con rạch nhỏ là tới khu phố với nhiều cơ quan hành chính của huyện. Dấu xưa còn lưu lại là những ngôi nhà kiểu Pháp, mái ngói, tường xây sơn vàng, phía trước là con đường nhựa chạy dọc con rạch uốn khúc mang tên Bãi Xàu. Khu thương cảng Bãi Xàu, ngày xưa là khu vực lớn, có nhà việc của hương chức, hội tề, có bưu điện, nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước do Pháp xây dựng, đặc biệt có công xi rượu Bảy Xàu nổi tiếng miền Tây. Ngày nay như các huyện lân cận Mỹ Xuyên là huyện sản xuất chủ yếu về nông nghiệp và nuôi tôm sú.
       Đến Mỹ Xuyên có 2 món để chúng ta thưởng thức, đó là bò nướng ngói và bánh cóng Đại Tâm. Đây là loại bánh làm từ thịt heo băm nhuyễn, bột sắn và hột đậu xanh, với nước nắm chua ngọt. Ngoài ra cũng không quên mua một món khoái khẩu làm quà, đó là mắm tép Nhu Gia.
Đến với Trần Đề là đến với một huyện ven biển, dân chúng làm nghề đánh bắt hải sản, đây cũng là khu vực nuôi tôm sú ứng dụng công nghệ cao. Cách trung tâm huyện khoảng 6 km là cảng cá Trần Đề với hàng trăm ghe tàu neo đậu chật kín, đa số là tàu đánh cá của Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu nhộn nhịp đông vui. Dưới nước là tàu biển san sát, trên bờ lớp lớp xe đông lạnh, từng tốp người cả đàn ông lẫn phụ nữ kẻ bốc xếp, người cân đong. Tàu đánh cá chiếc đưa tôm cá lên, chiếc mang dầu, nước đá, thức ăn xuống chuẩn bị chuyến đi biển dài ngày, chiếc nổ máy rẽ sóng ra khơi. Có khoảng 500 chiếc tàu đánh bắt xa bờ như vậy ra vô mỗi ngày. Ở đây có đầy đủ dịch vụ hậu cần tàu biển như xăng dầu, nước đá, thực phẩm, bốc xếp, đặc biệt thích hợp ghe tàu neo đậu tránh bão. Từ đây chỉ mất 30 phút là tôm cá vô nhà máy đông lạnh nhờ đường giao thông thuận lợi. Sau đó, thủy sản xuất khẩu cũng sẽ lên đường về cảng Sài Gòn qua đường Nam Sông Hậu vừa hoàn thành, rút ngắn thời gian 7-8 giờ so với trước đây. Đứng trên cầu cảng nhìn ra, cửa biển Trần Đề rộng mênh mông, không khó để hình dung khi dông gió nổi lên thì nơi đây nguy hiểm như thế nào, để rồi thấm thía cái tên Ba Xuyên tiền nhân đặt cho vùng đất này 
Đến với Thạnh Trị một huyện nằm theo tuyến quốc lộ 1A, khu hành chinh nằm tại thị trấn Phú Lộc, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một số khu vực nuôi tôm càng xanh và cá đồng. Đến thăm Thạnh Trị, chắc hẳn du khách sẽ được thưởng thức món ăn đặc sản của vùng này, đó là khô trâu. Khô trâu Thạnh Trị được chế biến theo kiểu cổ truyền, thịt trâu bắp được lát thành những miếng mỏng lớn hơn bàn tay, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm sả bằm, muối, tỏi, ớt,… khoảng nửa ngày cho ngấm. Sau đó đem phơi nắng hoặc sấy trong lò. Khô thành phẩm sẽ là những miếng khô thật mỏng, thơm lừng vị sả và mùi thịt trâu đặc trưng.
Đến với Mỹ Tú một huyện chủ yếu sản xuất về nông nghiệp, khu vực chịu phèn mặn và đầm lầy, do thổ nhưỡng như thế cây tràm sinh sôi phát triển, nơi chúng ta nên tham quan là rừng tràm Mỹ Phước, nơi đây được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, cây cối um tùm. Trong kháng chiến, Khu Trung tâm của di tích là nơi diễn ra các cuộc họp, hội nghị để đưa ra nhiều quyết định quan trọng của cấp chỉ huy cao nhất Sóc Trăng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khu căn cứ có tổng diện tích khoảng 310 ha, trong đó bao gồm: hầm nổi, hầm chìm, hội trường, nhà làm việc, rừng tràm bao bọc xung quanh. Hiện nay nơi đây là điểm du lịch rất thú vị đậm chất đồng quê dân dã. Do địa thế đầm lầy có một loài cây (họ cói) sinh sôi và phát triển mạnh trở thành nguồn kinh tế đáng kể cho địa phương, đó là cây bồn bồn, đọt non được làm thành dưa bồn bồn, một sản vật độc đáo của vùng đầm lầy đã trở thành món ăn khoái khẩu, mà nhiều người dân phương xa đến đây, vào quán phải gọi cho được món dưa bồn bồn hoặc  phải tìm kiếm mua cho được mang về nhà.
Đến với Long Phú một huyện có ba lợi thế, sản xuất nông nghiệp, trồng lúa và vườn cây ăn trái ở các xã dọc sông Hậu. Trong đó, nhờ vào các yếu tố tự nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản tương đối phát triển, Long Phú là một trong những huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là tôm) lớn ở Sóc Trăng, là huyện được đầu tư xây dựng Trung tâm điện lực Long Phú tại xã Long Đức và sắp tới là thương cảng đặt tại thị trấn Đại Ngãi.
         Dù chiến tranh đã lùi xa, tình hình kinh tế xã hội đã phát triển một đoạn đường dài, vùng đất Long Phú đã thay đổi rất nhiều, nhưng trong ký ức mọi người khi nhắc đến miền quê nầy vẫn không quên hình ảnh đẹp của những chàng trai cô gái gắn liền với những địa danh của một thời chiến tranh khốc liệt xa xưa như lời thơ ai đó đã viết:
Qua Rạch Già ghé thăm Long Phú
Lên Chợ Vàm về Phú Hữu thân thương
Đi trên sông nước quê hương
Nhớ anh du kích chống xuồng đánh Tây.

       Đến với Cù Lao Dung một địa danh nghe hiền hoà dung dị, là một dãy cù lao chạy dọc trên sông Hậu đổ ra biển, càng về cuối càng nở phình ra để tạo thành 2 cửa sông lớn: Định An và Trần Đề. Cù Lao Dung xưa còn gọi là Cù Lao Hổ Châu, đến Cù Lao Dung cho thuyền chạy ven sông trong bầu không khí mát rượi của rừng bần, đi vào trong xóm chúng ta sẽ thấy những vùng mía bạt ngàn và những bờ bao ngoằn ngoèo xẻ dọc ngang nối liền các mảnh rẩy khu vườn. Các cô gái chăm sóc rẩy mía nước da trắng thùy mị, người dân ở đây hiếu khách, nam nữ đa số biết ca vọng cổ rất muồi mẫn. Nói đến Cù Lao Dung ngoài vùng chuyên canh cây mía người ta hay nhắc đến một đặc sản hiếm hoi đó là cá bống sao kho sả ớt hoặc canh chua cá bống sao nấu bần. Lời ca dao xưa người ta thường ngâm nga:
Gió đưa nhành trái la đà
Cù Lao Dung đó mấy xa cũng gần
Bống Sao đem nấu chua bần
Nặng mang tình đất nhẹ nâng tình người

      Nếu ai có dịp về Cù Lao Dung một chuyến, đi thuyền ra bãi biển xem bà con thụt cá bống sao, lúc về nhớ chọn mua vài kí, hái vài trái bần rồi ghé quán ăn nhờ cô chủ nấu cho một nồi canh chua bần và kho với sả ớt, ăn với gạo lúa thơm Sóc Trăng, chắc chắn sẽ không có gì thú vị bằng.
       Những năm gần đây sự giao lưu kinh tế văn hóa với các nước láng giềng trở thành bình thường gần gũi. Huyện Cù lao có số đông các cô gái lấy chồng xa xứ, điều gì đã khiến những cô gái tay lấm chân bùn, ở những vùng quê hiu hắt, chưa từng bước chân ra khỏi lũy tre làng, bờ ruộng, rẩy mía, dám vượt hàng ngàn cây số để kết hôn với người chồng không cùng ngôn ngữ, chênh lệch tuổi tác, vân vân và vân vân. Một anh bạn về thăm quê Cù Lao Dung, gặp người quen trong xóm hỏi thăm bé Tư, bé Ba... Anh đặt câu hỏi rồi bùi ngùi tự trả lời bằng nỗi xốn xang.
Về Cù Lao nghe xót trong lòng
Thương người em gái lấy chồng xứ xa
Ao sâu ruộng mía sau nhà
Tình quê theo mãi chuyến phà sang sông

        Trong trái tim mỗi người, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra, ai cũng có cội nguồn, trong trái tim mình, ai cũng có một góc trời quê hương. Về Sóc Trăng là về lại với quê hương, dù gặp bao cay đắng ngọt bùi, nhưng chúng ta sẽ tìm được những kỷ niệm thật ngọt ngào, những tình cảm thật chân quê. Một chuyến về thăm Sóc Trăng, tham gia những ngày trẩy hội, ghé phố phường hoặc xuôi về tận những vùng quê, chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận ra trong lòng mình có một góc quê hương thật tuyệt vời, thật dễ thương.
 HOÀNG MINH (CHS 68-75)


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 3 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật