Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

Tham luận lịch sử trường 4

      Tôi tham gia hội thảo về Lịch sử trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu (trường HD) với tư cánh một nhân chứng sống, nên xin phép cho tôi kể lể đôi chút ở dạng tường trình.

Tôi sinh năm 1946 tại nội ô Sóc Trăng, vào học lớp Năm ( nay là lớp Một) niên khóa 1951 – 1952, lúc 5 tuổi tại trường tiểu học Nữ Tỉnh lỵ (nay đã thành công viên cạnh nhà hàng Khánh Hưng). Năm tôi vào học thì trường này dạy cả nam nữ học sinh.Lúc bấy giờ còn có Trường tiểu học Nam tỉnh lỵ ở cạnh cây đa cổ thụ (công trường Bạch Đằng hiện nay) đã bị đốt phá rụi trong chiến tranh từ năm 1949. Các nữ sinh học suốt ở trường nữ Tỉnh lỵ, riêng nam sinh thì dời đổi luôn.

- Năm học 1952 – 1953 học lớp Tư (nay là lớp Hai) ở trường Huấn luyện ( nay là khu vực Bộ đội biên phòng), khu nầy dành cho nam sinh.

- Năm học 1953 – 1954 học lớp Ba (nay là lớp Ba) ở đình Năm Ông, chỉ có mấy lớp cho nam sinh ở khu gần Cầu Quay. ( nay là cầu C247)

- Năm học 1954 – 1955 học lớp Nhì (nay là lớp Bốn) ở dãy phòng mượn của trường Phụ huynh học sinh (dãy phòng cặp đường Mạc Đĩnh Chi, ngang chùa Tịnh Độ), cũng chỉ có nam sinh.

Năm học này trường bán công PHHS mới khánh thành dãy phòng học cấp 4 (nền xi măng, cột cây, lợp tôl). Trường không sử dụng hết lớp nên cho tiểu học mượn 3 phòng cho 3 lớp Nhì (nay là lớp Bốn). Cũng năm học này, các anh lớp Nhất (nay là lớp Năm) đã vào học dãy nóc bằng kiên cố mới xây 7 phòng (thẳng góc dãy lớp trường PHHS, cập sau dãy nhà dân đường Đồng Khởi hiện nay).

- Năm học 1955 – 1956,  tôi học lớp Nhất (có 6 lớp A, B, C, D, E, F) ở dãy nóc bằng. Cả 2 năm lớp Nhì, lớp Nhất ở khu vực nầy tập trung hết nam sinh cả thị xã và đều do các thầy đứng lớp. Các cô dạy ở trường nữ Tỉnh lỵ. Sân trường thời ấy là bãi cỏ gà rộng, chiếm hết khu đất của trường Hoàng Diệu ngày nay. Hè 1956 vẫn không có gì, có thể là nửa cuối năm 1956  trường mới xây dãy đầu tiên để năm sau khai giảng lớp đầu tiên vào ngày 1-10-1957, trễ hơn các trường tư thục khoảng 2 tháng và không phải thi tuyển đầu vào vì chỉ có 157 học sinh.

Trên đây là bản tóm tắt của bài viết “Những mái trường trong trí nhớ” đã in trong đặc san Kỷ niệm 55 năm Trung học Hoàng Diệu khai giảng khóa đầu tiên 1957 – 2012. ( trang 84-86 ). Bài viết này nhằm nói rõ hơn cho bài sưu tầm “Đôi điều về lịch sử Trường Trung học Hoàng Diệu” của anh Bùi Ngọc Thạch (cựu học sinh năm 1967 – 1974) cũng đăng trong tập san nói trên ( trang 88-89 ).

Như vậy, tôi khẳng định từ năm 1954 trở đi mới có dãy tiểu học ở đường Mạc Đĩnh Chi dành cho nam sinh lớp nhì lớp nhất. Sau đó mới giao lại cho trường công lập Khánh Hưng. Trường Trung học bán công phụ huynh học sinh cũng có cơ sở từ năm học 1954-1955, trước đó thành lập từ năm 1952 nhưng phải mượn phòng học chung với nam tiểu học ở Đình Năm Ông hoặc Trường huấn luyện.

*

*      *

Tôi xin mở ngoặc đơn để nói thêm một chi tiết là lúc còn tỉnh Hậu Giang (cũ), trường có tổ chức “Họp mặt truyền thống Trường PTTH Hoàng Diệu năm 1989” và tôi được tham dự nhưng không thấy nói gì về thành lập trường. Mãi năm 1994, trường có ra đặc san Xuân, có lẽ là lần đầu tiên sau năm 1975. Anh Phan Quang An có nhờ anh em Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng đóng góp bài vở, hình ảnh và tôi có một bài ghi chép nói về 2 đặc san xuân đầu tiên của Trường Hoàng Diệu vào năm 1963 và năm 1964 (ký bút danh Nguyễn Lưu. T.N). Khi được tặng báo đọc bài tóm tắt “Lịch sử Trường Hoàng Diệu” của Phòng Truyền thống Trường Hoàng Diệu có ghi:

“Trường Hoàng Diệu bắt đầu xây dựng từ năm 1949 trên một mảnh đất hoang, ao vũng bùn lầy, rộng gần 3 mẫu tây (2,7 ha) do một người Pháp làm chủ, nằm trong phạm vi 4 con đường Mạc Đĩnh Chi, Đề Thám (nay là Đồng Khởi 60), Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, mặt tiền phía đường Mạc Đĩnh Chi (nay thuộc Phường 4, thị xã Sóc Trăng).

Năm 1949, xây dựng dãy đầu tiên gồm 7 phòng học đúc nóc bằng, bê tông cốt sắt (dãy C hội trường hiện nay).

Năm 1956 xây dãy thứ 2 (song song với dãy cũ) gồm 7 phòng lợp ngói móc, lót gạch bông, có 2 hành lang (nay là dãy văn phòng, dãy A). (Trang 5 của đặc san phổ thông trung học Hoàng Diệu số Xuân 1994).

Tôi nêu thắc mắc với anh Phan Quang An là những điều trên không đúng như sự thật mà tôi đã biết thì anh có nói là trường có càng lâu càng vinh dự, và anh cho biết thêm là có cơ sở bằng văn bản (nhưng văn bản này đến nay vẫn không tìm thấy!) Thôi thì mình chỉ biết như thế. Anh Thái Văn Hợp có lần nêu thắc mắc với Ban giám hiệu nhà trường, tôi đã khều nhẹ anh và nói: “Thôi, chuyện của người ta mày ơi”. Chính vì vậy, mà sau này ra đặc san Hoàng Diệu vào các năm 2007, 2012, đều ghi năm “khai giảng khóa học đầu tiên” chứ không ghi là “năm thành lập”. Và rồi đến năm 2009 cũng không còn thấy ai nhắc đến chuyện thành lập từ năm 1949 để tổ chức kỷ niệm 60 năm.  Đáng chú ý là gần đây ở bài viết “Tóm tắt lịch sử Trường Trung học Hoàng Diệu” trong đặc san kỷ niệm 50 năm khai giảng khóa đầu tiên 1957-2007” ( không ghi tác giả) có ghi: Tại Sóc Trăng cho đến năm 1951 chưa có trường trung học. Trường trung học đầu tiên ở Sóc Trăng nằm trong khuôn viên trường Hoàng Diệu hiện nay là trường bán công PHHS được thành lập vào năm 1952 (trang 6). Tôi xin đóng ngoặc đơn./.

 

Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 5 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật