Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

Giỗ cụ Hoàng Diệu ở Sóc Trăng


Hơn 30 năm qua, ở tận Sóc Trăng - một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xa tít với xứ Quảng lại có một người đều đặn hằng năm tổ chức giỗ cụ Hoàng Diệu rất chu đáo và long trọng, thể hiện tấm lòng của con cháu họ Hoàng ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên.

 

Như mọi năm, cứ đến ngày giỗ cụ Hoàng Diệu, bà con đồng hương Quảng Nam ở miền tây Nam Bộ, từ Cần Thơ, vượt chặng đường hơn 100km về Sóc Trăng tham dự. Người đứng ra tổ chức giỗ cụ Hoàng Diệu là cháu đời thứ năm của cụ - bác sĩ Hoàng Dũng. Trước ngày giỗ (mùng 8/3 âm lịch), ông gọi điện và gửi thiệp mời đến những người thân, bà con đồng hương về dự tại nhà mình ở vùng ven thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Ở tuổi 69, bác sĩ Hoàng Dũng, tâm sự: “Năm 2009 này, tròn 32 năm, tôi giữ lệ làm lễ giỗ cụ Hoàng Diệu. Và ấy cũng là thời gian tôi và gia đình đặt chân đến vùng đất xa lạ này bươn chải, kiếm sống”.

 

Người tận trung tử tiết, nghĩa khí phi thường

 

Cụ Hoàng Diệu nổi tiếng thông minh, siêng học và có tiếng văn chương. Theo sử sách và lời truyền tụng, vào đời vua Tự Đức, năm đầu có mở ân khoa Mậu Thân (1848), ông lúc đó mới 19 tuổi và người anh ruột cùng vào Đệ Tam trường. Cùng ở một vi, văn chương, ý tưởng hai anh em hơi giống nhau khiến chủ khảo nghi ngờ. Khi có kết quả rồi, vua Tự Đức buộc phải hạ chiếu cho hai anh em phúc hạch riêng trong ba ngày liền. Kết quả cũng y như văn thức Tam trường. Vua Tự Đức sau khi duyệt bài thi đã ngự phê, khen rằng: “Văn chương là lẽ công bằng, hai anh em văn chương đều tuyệt tác. Quý đặng chân tài, anh em đồng khoa thật là việc tốt”.

Con người tài hoa này sau đó tiếp tục đỗ đạt và được bổ nhiều chức tước. Sau chức Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo ông về làm quan ở các phủ huyện như Tri phủ Tuy Phước, Tuy Viễn (Bình Định), Tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế), Tri phủ Đa Phúc, Lạng Giang (Bắc Ninh). Khi được thăng hàm Án sát sứ tỉnh Nam Định, tỉnh phần Bắc Ninh tâu về triều xin lưu ông ở lại. Thế là ông phụng chiếu chỉ thăng làm Án sát rồi Bố chánh tỉnh Bắc Ninh. Trong 9 năm ở Bắc Ninh, ông dẹp yên trộm cướp, an dân lành, có nhiều quân công, được nhà vua khen rằng: “Dân Bắc Ninh không có Hoàng Diệu không được”. Sau đó, ông được điều về kinh làm Tham tri bộ Hình, rồi Tham tri bộ Lại kiêm Quản ấn vụ viện Đô sát, dự bàn quốc sự ở Viện Cơ mật. Năm Mậu Dần (1878), Quảng Nam bị thiên tai, mất mùa, dân chúng đói kém, trộm cướp xảy ra; phụng chỉ, ông về khâm sai chỉnh lý, “điều tể, tiện nghi hành sự, tiền trảm hậu tấu”. Tỉnh nhà nhờ vậy được yên ổn, ông liền cải nhậm chức Tuần phủ tại bản tỉnh. Tiếp đó, ông được điều bổ Tổng đốc tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Chưa được một tháng, lại triệu về kinh sung chức Phó toàn quyền Đại thần. Bấy giờ người Pháp vẫn tiếp tục dòm ngó xứ Bắc Kỳ. Trước tình hình căng thẳng đó, năm 1880, ông được thăng Binh bộ Thượng thư, Tổng đốc Hà Nội và Ninh Bình kiêm Chưởng sự vụ Thương Chính. Ngày mùng 8-3-1882 (Nhâm Ngọ), quân Pháp bội ước, đem binh đánh thành Hà Nội. Ông ra sức chống cự dù thành bị vây hãm. Ông quyết định tuẫn tiết theo thành khi mới bước vào tuổi 54. Tưởng nhớ người tận trung tử tiết, nghĩa khí phi thường, vua Tự Đức giao quan tỉnh Hà Nội phối hợp cùng tỉnh thần hai tỉnh Hải Dương và Nam Định lo việc hậu táng. Lễ an táng được cử hành ở làng Xuân Đài (Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam) vào ngày 24-8-1882, Nhâm Ngọ.

 Ông Hoàng Dũng (ở Sóc Trăng) cháu đời thứ năm của cụ Hoàng Diệu.

Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh nên ngôi mộ bị ảnh hưởng, năm 1997, ngôi mộ cụ Hoàng Diệu được trùng tu quy mô và khánh thành vào ngày 8-3 năm Mậu Dần 1998.

 
Tự hào một dòng tộc
 

Người đời khâm phục tộc Hoàng không phải chỉ ở thái độ tận trung với nước, nghĩa khí phi thường mà còn ở tài học và góp sức cùng dân tộc. Tôi lật tìm trong gia phả tộc Hoàng (Huỳnh), mới chỉ ở dòng thứ chín (tức gọi Hoàng Diệu bằng cụ - NV) mà không khỏi giật mình khi quá nhiều người nổi tiếng. Xin được kể: Cụ Hoàng Quát là người đầu tiên sản xuất than hầm ở Việt Nam, cung cấp than cho các công binh xưởng thời kháng chiến chống Pháp. Cụ Hoàng Dư  tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, từng là Giám đốc Sở Giáo dục liên khu 5. Cụ Hoàng Hỷ từng làm chuyên gia tiếng Pháp cho Tân Hoa xã. Cụ Hoàng Cẩn từng là Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam, với nhiều bức tranh có giá trị hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Ông Hoàng Chúng là giáo sư Toán học, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý giáo dục và Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ông Hoàng Phê là giáo sư ngôn ngữ học, tác giả cuốn cải tiến chữ quốc ngữ; chủ biên nhiều công trình về ngôn ngữ học. Ông Hoàng Tụy, tiến sĩ  giáo sư toán học, Viện trưởng Viện toán học Việt Nam và Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia. Ông là nhà toán học lỗi lạc nổi tiếng trên thế giới, đã có nhiều phát minh, đóng góp vào nền toán học hiện đại, đặc biệt là công trình về Lý thuyết tối ưu toàn cục, Tuy's cut (lát cắt Tụy)…

Còn ông Hoàng Dũng cũng là một trí thức khá đặc biệt. Những bộ sách tiếng Anh, tiếng Pháp về các vấn đề xã hội, ông đọc, nói vanh vách. Không những giỏi về y học, ông còn tự nghiên cứu nhiều lĩnh vực xã hội, nắm bắt thời sự tin tức trong nước và quốc tế mà ngay cả những người làm báo như chúng tôi vẫn còn thấy thua xa. Ông Hoàng Dũng không thích kể nhiều về cuộc đời của mình dù quá trình phấn đấu cũng chẳng thua gì bậc cha ông. Ông cho biết, năm 1967, ông nằm trong tốp 60/100 sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Đấy cũng là thời gian cuộc chiến tranh tại Việt Nam khốc liệt hơn bao giờ hết. Trong khoảng thời gian này, có lúc ông đứng bục giảng, làm giáo viên. Khi chiến tranh kết thúc, ông cùng gia đình dọn về Sóc Trăng. Hành trang lúc đó chỉ là bàn tay trắng và tấm lòng thương vợ, thương con. Ngoài công việc của một thầy thuốc, chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho người dân nghèo, ông làm quen với công việc của một nhà nông.

Trở lại với ngày giỗ của cụ Hoàng Diệu, ông Hoàng Dũng cho biết ngày mùng 8-3 âm lịch năm nay là tròn 32 năm ông tổ chức giỗ cụ Hoàng Diệu ở tại Sóc Trăng. Hiện ở thành phố Sóc Trăng có trường trung học mang tên cụ Hoàng Diệu nên dịp cúng cơm nào, ngoài một số người dân gốc Quảng Nam, thầy trò của trường Hoàng Diệu cũng về thắp nén hương tưởng nhớ con người tận trung với nước, nghĩa khí phi thường Hoàng Diệu, rất ấm cúng. Ông Hoàng Dũng nói: “Bài học quý giá cho bọn trẻ là dù học hành đỗ đạt thế nào đi nữa, cũng không được phép quên cội, quên nguồn”.

 
                                                                      NAM GIAO

 

                                                                              Báo Quảng Nam online

 

Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 5 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật