Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông bên những đồng lúa mùa thuộc ấp Giầy Lăng, xã Hòa Đông (Vĩnh Châu, Sóc Trăng), cả đời kỹ sư Hồ Quang Cua gần như chỉ gắn liền với duy nhất cây lúa. Từ anh, một bộ sưu tập hơn 20 giống lúa thơm mang tên ST đã ra đời.

Không biết mình bắt đầu mê cây lúa từ khi nào, chỉ biết đau đáu nhớ về tuổi thơ của mình gắn liền với những ngày lội ruộng kéo mạ, cấy lúa với cha mình, kỹ sư Cua tâm sự chính hạt lúa mùa trên đồng đất Hòa Đông đã nuôi anh khôn lớn, nhưng không đủ sức làm quê hương anh giàu lên được bởi năng suất và chất lượng không cao.

Mang trăn trở đó, chàng trai trẻ thi vào khoa nông nghiệp Đại học Cần Thơ. Tốt nghiệp, Hồ Quang Cua trở về với ruộng đồng. Đâu có ruộng, có nông dân là có anh, cùng đánh vật với ruộng đồng và nhà nông. Người dân Sóc Trăng cũng chỉ biết anh là một kỹ sư giỏi, chịu khó, chứ ít ai biết anh là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Sóc Trăng. Anh đi đồng bất kể lúc nào. Sáng tranh thủ dậy sớm ra đồng, chiều sau giờ làm việc cũng thấy lom khom ngoài đồng nên làm lãnh đạo cấp sở mà ngón chân anh vàng khè màu phèn.

Công trình lúa thơm ST của anh là câu chuyện bắt đầu bằng sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông 1996. Đang ngắm nghía những hạt lúa VD20 no tròn, bằng cặp mắt nhà nghề, anh nhìn ra có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Lội ngay xuống ruộng, mân mê những bông lúa lạ, mắt sáng lên như người tìm được vật quý bởi “đó là những cá thể VD20 đột biến đầu tiên”, anh kể.

Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Anh nói tiếp: “Sự phát hiện này tình cờ nhưng rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được chúng tôi thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất”.

Công việc lai tạo không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của VN lúc này vẫn chưa có. Anh cho biết: “Lúc đó thiếu nhiều thứ lắm nhưng cái gì tự chế được thì mình chế, cái gì chưa có thì “mượn tạm” của người khác. Trong công tác giống, nếu thiếu các tiêu chí về giống cũng như người đi biển thiếu la bàn”.

Sau này một cộng sự của anh là thạc sĩ Trần Tấn Phương (nay là tiến sĩ với luận án về di truyển chọn giống lúa thơm) còn phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua tiêu chí mùi thơm, anh cùng các cộng sự loại được những giống lúa không đạt chuẩn rất nhanh. Công việc ngày càng tiến triển, đến nay ngành nông nghiệp Sóc Trăng tự hào có được bộ sưu tập giống lúa ST từ 1-20 và một giống ST3 đỏ.

Từ những giống lúa thơm ST, nhiều nông dân đã làm giàu và ngay thời điểm giá lúa xuống thấp nhưng giá lúa thơm ST vẫn vững vàng ở ngôi cao nhất. Đặc biệt, từ đầu năm 2009 đến nay lúa ST5 bán được giá cao hơn các giống khác trồng trên đồng đất Sóc Trăng từ 500-700 đồng mỗi ký nên mỗi hecta nông dân thu lãi ròng trên 20 triệu đồng.

Không chỉ vừa nghiên cứu lai tạo, nhân giống hay quảng bá thương hiệu, anh còn là người tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất lúa thơm ST, để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Và cũng chính anh đã làm sống lại mô hình “con tôm ôm cây lúa” trên những vùng đất nuôi tôm kém hiệu quả trước đây.

Không còn trẻ nhưng anh nói tình yêu cây lúa trong anh luôn mãnh liệt như mối tình đầu tiênmối tình này đã trở thành một phần máu thịt, là mục tiêu mà anh đang hướng tới với mong muốn đem lại danh tiếng cho hạt gạo Sóc Trăng đến con đường vinh danh hạt ngọc Việt nhằm đem lại cho nông dân nguồn thu nhập xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Và theo anh đó chính là cách để trả nợ hạt lúa quê hương từng nuôi anh khôn lớn. Hồ Quang Cua là cựu học sinh Hoàng Diệu khóa 65-72, nổi tiếng học giỏi, là học sinh ban A thi tú tài I đậu hạng Ưu duy nhất năm 1971 ở Sóc Trăng. Và với những gì tốt đẹp anh đã và đang đem lại tới nông dân, kỹ sư Cua đang được đề nghị lên trên phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

TỔNG HỢP TRÊN NET


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 15 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật