Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.




TRẦN NGỌC ÁNH (68-75)

                 

                     Cầm cuốn sách cũ mèm, vàng ố của nhà văn Mai Thảo, tôi lẩm nhẩm đọc cái tựa “Người thầy học cũ”, chữ ký đề tặng uốn éo đúng ba nét dọc nhưng không đề tên người nào, màu mực tuy phai nhưng còn đọc được hàng chữ...tháng 4-1970… Con số đã gợi nhớ cho tôi những năm tháng nào xa lắc….

                    Lớp đệ lục, tôi học Việt Văn với thầy Nguyễn Hiền Tâm. Ông cao gầy với cặp kiếng gọng đen to đùng gắn hờ hững trên mũi. Nhiều người nói ông gàn với phong cách lè phè, bất cần đời, nói năng đôi khi châm chọc, chế giễu làm người khác khó chịu. Bạn bè đồng nghiệp thân thiết không nhiều. Sau giờ dạy, chưa ra khỏi cổng trường là áo đã buông thỏng, cuốn sách lận vào lưng và lầm lũi cuốc bộ thong dong, sau này học trò lén gọi ông là “Tâm lũi” chắc vì vậy. Giáo trình dạy của ông cũng không giống ai, ông dạy tiếng Hán Nôm “tam ba tứ bốn, tử mất tồn còn…”, dạy thơ Nguyên Sa “bàn tay năm ngón, có ngón dài ngón ngắn, có ngón chỉ đường đi, có ngón tay đeo nhẫn, có ngón gài...coóc xê”. Cả lớp con gái mới tuổi 12,13, ngơ ngác không hiểu coóc xê là gì, nhưng vẫn cười thích thú vì bài thơ lạ lạ hay hay. Tết đến, không biết ai đó in cho ông một hộp danh thiếp, ông đem vô lớp phát hết cho lũ nhỏ, và dặn lật ra sau ghi hàng chữ này vào “Lặn ngụp rã rời, trong cơn lũ thất vọng chán nãn, nhưng vẫn ngạo nghễ ngang tàng, Thầy chúc cho những cánh bướm, tìm được mùa xuân của mình.” Đứa nào cũng nắn nót viết và đem lên cho ông ký tên, coi như là thiệp chúc Tết, vui ơi là vui khi được ví von là...bướm. Lâu lâu ông lại cao hứng treo giải thưởng tập làm văn, đứa nào điểm cao nhất ông cho cuốn sách. Trong lớp thời ấy có tôi và Thu Hương ngang tài ngang sức, nhưng Thu Hương viết chữ đẹp, sạch sẽ hơn, ông cho nó hạng nhất với cuốn “Văn chương Nam Bộ” dầy cộm của Nguyễn Văn Sâm, và tôi hạng nhì với cuốn “Người thầy học cũ” của Mai Thảo, tôi mê văn thơ từ dạo ấy. Những bài luận văn có vẻ  hơi ngang tàng một chút, ông chấm khá hơn là lối viết ủy mị khuôn mẫu. Có lần tôi tập làm thơ than mây khóc gió… gởi cho ông xem thử, nếu được sẽ nộp đăng bích báo trong trường. Cả tuần hồi hộp chờ đợi, ông trả về với hàng chữ “Mỗi thời đại có một vài nhà thơ hay, mỗi nhà thơ có vài bài hay, mỗi bài thơ chỉ có vài câu hay, làm thơ khó lắm em ơi!” Thế là chấm hết, tôi thề không bao giờ làm thơ nữa.

                     Cá tính gàn dở, nói năng thẳng thừng cộc lốc, tác phong không có vẻ gì là một nhà giáo của ông vậy mà gây ấn tượng với đám học trò HD suốt mấy chục năm sau này. Nhắc tới tên ông, hầu hết đứa nào cũng nhớ, cũng thương. Kể cả những tên từng bị ông cho ăn một lần cả chục trứng vịt đỏ chói trong tập cũng khó mà ghét ông được, bởi vì ông là người giản dị, dễ hòa đồng thân thiện với tụi nhỏ.

        Gần ba mươi năm trôi qua, gặp lại ông giữa Sài Gòn, cũng y chang như trước đây, tóc hơi hoa râm một chút, cặp kính gọng đen to đùng gắn sệ trên mũi, áo bỏ ngoài, đầu đội trời chân mang dép, cũng cao gầy và dáng đi lầm lũi. Ông nghỉ dạy từ sau 75, sống lang thang quanh quẩn đâu đó, nói theo thời buổi bây giờ, ông là người vô sản! Đôi khi tôi tự hỏi ông đã sống như thế nào trong suốt bao nhiêu năm qua? Học trò cũ thì ở tứ tán khắp nơi, cũng có người về nước tìm thăm ông, một buổi nhậu. Thầy trò thân thiết, lâu lâu có đứa gởi thầy ít tiền uống cà phê, nhưng ông khoái uống rượu hơn. Mà cũng lạ, ở tuổi 70, sức khỏe ông vẫn... bình chân như vại, uống bia lần cũng cả vại mới hay.

         Có học trò nói ông chán đời, có người nói ông bất mãn…Mặc kệ ai bàn tán gì thì ông vẫn còn sống thong dong ngạo nghễ trong cõi đời này với tâm trạng bất cần “đặng chẳng mừng, mất chẳng lo”. Và đám học trò xa xứ lâu lâu lại hỏi thăm “Thầy bây giờ sống ra sao rồi?”. Đừng lo, ông ấy mãi mãi vẫn là “Tâm lũi” thân thương đáng nhớ với mái đầu nay đã bạc phơ, cái răng ám khói, cái kiếng cận gọng đen cũ mèm, chiếc xe đạp cà tàng thong dong tà tà hàng ngày trên phố với cái nhìn nghiêng nghiêng… Riêng tôi, nhắc đến ông bởi vì lòng cảm mến đặc biệt, nếu có dịp làm lại bài tập làm văn lớp 7 với chủ đề “Hãy kể lại hình ảnh thầy/cô nào ấn tượng nhất trong cuộc đời em., có lẽ tôi sẽ viết về ông, người thầy khác biệt, không giống ai.






Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 4 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật